Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm về phía Đông Nam nước ta. Năm 1858, sau khi Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tại cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta đến ngày 28/1/1861, Pháp đưa ra bản Tuyên cáo chiếm lĩnh Côn Đảo. Ngày 1/2/1862, Pháp bắt đầu xây dựng tại đây một hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương để nhằm thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng bằng khổ sai, nhục hình, đói khát, bệnh tật; chúng tìm mọi cách để thủ tiêu nhân cách, xóa bỏ nhân phẩm, giam hãm con người trong tình cảnh sống như tuyệt vọng, sống cũng như chết.

NHÀ TÙ CÔN ĐẢO LÀ HẦM XAY LÚA

Sở dĩ Thực dân Pháp chọn Côn Đảo để xây dựng nhà tù vì:

– Về mặt địa lý: Côn Đảo có 4 hướng là biển, cách đất liền nơi gần nhất khoảng hơn 30 hải lý. Nếu bị giam tại đây người tù khó mà trốn thoát.

– Cách ly những phần tử nguy hiểm chống đối chính sách cai trị của Nhà nước thực dân và có hại đối với an ninh ở thuộc địa.

– Dùng chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần giết mòn người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ.

– Bóc lột sức lao động của người tù để xây dựng và khai thác thuộc địa.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, hiếm có nơi nào lắng đọng nhiều đau thương mất mát nhưng oanh liệt như di tích Côn Đảo. Bao lớp người yêu nước vì độc lập của nước nhà đã bị đày đọa nơi đây. Từ những nghĩa quân thuở Cần Vương, Văn Thân chống Thực dân Pháp cho đến lớp học sinh, sinh viên chống đế quốc Mỹ xâm lược. Mỗi bức tường giam, nền trại, mỗi tất đất, gốc cây, tảng đá trên hòn đảo này đều là di vật chứng kiến tội ác man rợ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Tuy nhiên, cũng tại hòn đảo này khí phách của những người yêu nước, tinh thần đấu tranh bền bỉ, quật cường của các chiến sĩ cộng sản trước quân thù đã được thể hiện ở tầm cao về trí tuệ và phong phú về phương pháp đấu tranh. Trong đó, hình ảnh Bác Tôn tại nhà tù Côn Đảo cũng như tại hầm xay lúa là sự minh chứng sống động nhất về tình thần yêu nước, lòng trung thành và niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tính nhân văn cao cả của con người.

Hầm xay lúa nằm trong Banh I được Thực dân Pháp xây dựng những năm cuối thế kỷ 19. Hầm xay lúa vừa là một hình thức khổ sai để tận dụng sức lao động của tù nhân –  nơi đây nhốt hầu hết là tù thường phạm. Họ là những tay anh chị hung hăng dữ dằn, còn lại là một số tù chính trị. Trực tiếp chỉ huy  hầm xay lúa là một tên cặp rằng chính và bốn tên cặp rằng phụ, đây là những tay anh chị tù khổ sai được chỉ định giúp việc cho bọn cai ngục và sếp người Pháp, bắt những người tù làm công việc khổ sai, nặng nhọc và chúng trở thành công cụ đắc lực cho bọn chúa ngục. Những tên cặp rằng này thường tập hợp hơn chục tên lưu manh đàn em để phục dịch cho chúng. Cả bọn cấu kết với nhau trút tất cả những công việc khổ sai nặng nhọc lên đầu những người tù khác.

Hầm xay lúa có diện tích hẹp, có 3 mặt là tường kín, một mặt là hàng rào song sắt kiên cố cách khám giam một sân hẹp khoảng 2m. Hơn 100 người tù bị xiềng xích, 200 bao thóc chất đống, 5 cối xay đồ sộ và 2 quạt gió ngoại cỡ chen chúc nhau trong một căn hầm rộng chừng 150m2. Cối xay lúa được làm bằng thùng rượu vang cưa đôi, bên trong có lèn đất sét và răng cối, phải 6 người tù mới xay nổi một cối xay lúa. Trong khi xay, chân của hai người tù bị cột chung 1 sợi xích với quả tạ nặng 5kg. Quạt gió thổi ù ù, cối xay quay ầm ầm, tiếng xích sắt loảng xoảng lê dưới chân người tù, tiếng thớt cối nặng nhọc nghiến vào nhau chen lẫn tiếng roi quật đen đét lên những tấm lưng trần và tiếng rít quát mắng độc địa của những cặp rằng lưu manh hòa thành một thứ âm thanh rùng rợn trong hầm xay lúa. Cứ như thế từ ngày này sang ngày khác, từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, hầm xay lúa chật chội, ầm ĩ, oi bức, ngột ngạt. Nếu đứng ở khoảng cách 1m thì sẽ không nhìn thấy mặt nhau vì bụi trấu bay mù mịt, nhặm lúa tạt vào mắt, không  tránh khỏi đau mắt, lâu rồi bị tóet mắt. Làm việc cực nhọc như thế, người tù trong hầm xay lúa còn phải ăn uống rất kham khổ. Cơm là cơm hẩm, cá là cá khô mục, canh là những cộng dền già đầy trứng sâu nấu với muối. Và trong thức ăn thì đầy cát sạn. Khác với các sở tù khổ sai, bọn lưu manh trong hầm xay lúa được toàn quyền hành hạ người tù, chúng hung ác như một bầy quỷ dữ. Bọn gác ngục chỉ đứng ngoài song sắt để chứng kiến lòng trung thành của đám tù tay sai đã được chúng kích động bản tính lưu manh. Nếu gọi nhà tù Côn Đảo là “địa ngục trần gian” thì hầm xay lúa là “địa ngục của địa ngục trần gian”.

Bị áp bức đến cùng cực, tù nhân hầm xay lúa trở nên hung bạo, thỉnh thoảng họ lại vùng lên giết chết tên cặp rằng hung ác.

Năm 1930 Bác Tôn bị Thực dân Pháp kết án 20 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Tại đây, cai ngục Pháp đã giam cầm Bác ở nhiều nơi, dùng nhiều hình thức tra tấn độc ác nhằm thủ tiêu lý tưởng cộng sản ở Bác như: xà lim số 9, xà lim số 15, Sở tải, Sở lưới … trong đó có hầm xay lúa.

Cuối năm 1932 đầu năm 1933, Bác Tôn bị cai ngục Pháp phạt và đưa vào hầm xay lúa, mang xiềng, đứng cối xay lúa và phải vác gạo. Sau khi cặp rằng Bảy Tốt hung ác bị các tay tù anh chị giết chết, đích thân xếp Banh I người Pháp chỉ định Bác Tôn làm cặp rằng hầm xay lúa. Âm mưu thâm độc của cai ngục Pháp là muốn dùng những tay tù anh chị trong hầm xay lúa sát hại Bác Tôn.

Biết rõ âm mưu đó, Bác Tôn đã bàn với các đồng chí đảng viên trong hầm xay lúa là nắm lấy cơ hội này để cải tạo chế độ lao tù của thực dân trong hầm xay lúa. Lần đầu tiên, những công việc ở hầm xay lúa được tổ chức lại. Tất cả mọi người đều làm việc. Những người yếu được bố trí vào kíp sàng gạo và đóng bao, người khỏe thì xay lúa và khuân vác thóc, Bác Tôn cũng thế. Kíp đứng cối nặng nhọc nhất được bố trí thêm người, có thể thay nhau người làm người nghỉ để lấy sức. Thấy có một số tù nhân ngồi nghỉ, tên gát-dan coi hầm xay lúa chực xông vào đánh thì Bác Tôn ôn tồn bảo hắn:

“Đủ gạo thì thôi, đánh đập có ích gì?”.

Biết cặp rằng Hai Thắng không bắt tù xay nhiều thóc. Có lần tên sếp Banh đích thân đến quở trách, Bác Tôn đã trả lời hắn:

“Tôi có thể chỉ huy cả 1 đội quân Lê Dương, nhưng tôi không thể điều khiển tù nhân xay lúa theo ý các ông được”.

Bác Tôn và những người tù cộng sản trong hầm xay lúa đã tích cực giáo dục, cảm hóa tù thường phạm. Hội cứu tế tù nhân cũng được tổ chức trong hầm xay lúa. Những người ốm đau được chăm sóc chu đáo, san sẻ công việc mệt nhọc trong ngày. Buổi trưa, khi bọn gác ngục về hết, Bác Tôn tổ chức cho hội tù xúc gạo nấu cơm ăn thêm để đảm bảo sức khỏe. Buổi tối và ngày chủ nhật, hội tù tổ chức học văn hóa, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho tù thường. Dưới sự chỉ đạo của cặp rằng Hai Thắng, lần đầu tiên trong hầm xay lúa điều kiện làm việc, sinh hoạt được cải thiện rõ rệt. Số lượng lúa xay khoán hàng ngày được giảm bớt, mặc cho gát-dan, mã tà rầy la, đe dọa. Mỗi buổi trưa an hem tù được nghỉ gần 2 tiếng đồng hồ. Không khí đoàn kết, học tập và giúp đỡ lẫn nhau dần dần thay thế cho sự thù hằn, chia rẽ. Nhiều tù thường phạm học văn hóa say mê, có anh Dữ (tù án lưu) mù chữ, nhờ mấy tháng ở hầm xay lúa với cặp rằng Hai Thắng đã viết được thư gửi về nhà cho vợ, Dữ cảm động đến phát khóc. Những tay tù anh chị không còn hung hăng mà trái lại họ trở nên hiền lành và yêu thương Bác. Nhiều người giác ngộ cách mạng, sau này về tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Tình hình ở hầm xay lúa khi Bác Tôn làm cặp rằng không làm các gát-dan hài lòng, xếp Banh I quyết định thay cặp rằng khác. Hết hạn phạt, Bác Tôn trở về làm ở Sở tải, âm mưu thâm độc muốn sát hại Bác Tôn đã không thực hiện được.

Với bản chất nhân hậu và hiền lành, lòng yêu nước nồng nàn, bằng trí tuệ và phương pháp của người Cộng sản, Bác Tôn đã cảm hóa được những người tù mà cai ngục Pháp cho là bất trị. Bác đã cảm hóa, thu phục, giác ngộ, khơi dậy trong người tù tinh thần đấu tranh, lòng yêu thương con người.

Từ đó, ta có thể thấy rằng người cộng sản không chỉ thích nghi với mọi hoàn cảnh mà hơn thế nữa, họ còn cải tạo hoàn cảnh theo những khả năng tốt nhất có thể có của mình. Và Bác Tôn là một minh chứng sống động hơn hết về tinh thần bất khuất. “Chất ngọc” của người cộng sản Tôn Đức Thắng đã tỏa sáng trong hoàn cảnh khắc nghiệt của hầm xay lúa cũng như giữa lao tù Côn Đảo. Bác mãi mãi là tấm gương sáng để cho các thế hệ mai sau noi theo.

Tài liệu tham khảo “Bác Tôn (1888 – 1980) cuộc đời và sự nghiệp”

Nhà xuất bản Sự Thật

Đánh giá bài viết!