Là một trong những chiến sĩ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam, Tôn Đức Thắng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sinh ra và lớn lên ở An Giang, nhưng Sài Gòn – Chợ Lớn lại là nơi Tôn Đức Thắng bắt đầu những hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của mình. Cũng chính tại Sài Gòn – Chợ Lớn.

Tôn Đức Thắng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp

Tôn Đức Thắng đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong các hoạt động yêu nước của học sinh, trong phong trào công nhân và trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Dấu ấn buổi đầu lãnh đạo đấu tranh ở trường Bá nghệ và xưởng Ba Son

Rời quê hương An Giang lên Sài Gòn năm 1906 để học nghề và làm thợ, chỉ hai năm sau Tôn Đức Thắng đã dấn thân vào các hoạt động đấu tranh. Năm 1909, Tôn Đức Thắng tham gia vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học, năm 1910 tiếp tục vận động anh chị em công nhân Sở Kiến trúc Cầu đường và Nhà ở Sài Gòn đấu tranh đòi tăng lương, chống bọn cai ký cúp phạt, đánh đập vô lý. Đến năm 1912, ảnh hưởng và vai trò của Tôn Đức Thắng được thể hiện rõ nét qua cuộc bãi khóa của học sinh trường Bá nghệ và cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son1. Đây cũng chính là những “địa chỉ đỏ” gắn bó thiết thân và làm nên tầm vóc Tôn Đức Thắng từ buổi đầu tham gia phong trào yêu nước và cách mạng.

Ở trường Bá nghệ, với sự hướng dẫn của Tôn Đức Thắng, cuộc đấu tranh chống chế độ lao động thực tập hà khắc (buộc học sinh phải thực hành 10 giờ/ngày, phải bồi thường sản phẩm nếu làm hỏng); sau đó biến thành cuộc bãi khóa chống đàn áp học sinh diễn ra trong nhiều ngày và tạo tiếng vang lớn. Để giải quyết tình hình, giới cầm quyền Pháp ở Sài Gòn yêu cầu điều động công nhân Ba Son sang thay thế học sinh trường Bá nghệ nhằm hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn. Cũng với vai trò tổ chức, vận động của Tôn Đức Thắng, công nhân Ba Son kiên quyết không chịu đi làm thay. Khi bọn chủ cho bắt giam một số công nhân, lập tức công nhân Ba Son tiến hành đình công đòi thả ngay những người bị bắt và không được đánh đập, xúc phạm công nhân… Phối hợp cùng công nhân Ba Son, học sinh trường Bá nghệ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh đòi thả những học sinh bị bắt và sửa đổi chế độ thực tập. Sức mạnh liên kết giữa công nhân Ba Son và học sinh trường Bá nghệ đã làm nên thắng lợi: chủ xưởng Ba Son và ban lãnh đạo trường Bá nghệ phải đáp ứng những yêu cầu chính đáng của công nhân và học sinh.

Có thể xem cuộc đấu tranh năm 1912 trên đây là sự kiện ghi dấu ấn đầu tiên của Tôn Đức Thắng trong phong trào yêu nước của học sinh và phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn với tư cách một thủ lĩnh phong trào. Chắc chắn rằng, để đảm nhận và thực hiện thành công vai trò hướng dẫn, vận động học sinh và công nhân bãi khóa, đình công ở thời điểm năm 1912, Tôn Đức Thắng đã tạo dựng được vai trò, ảnh hưởng của mình nhiều năm trước đó trong đội ngũ học sinh và công nhân yêu nước – trước hết là ở trường Bá nghệ và xưởng Ba Son; từ đó lan tỏa ra nhiều “địa chỉ đỏ” khác ở trung tâm thành phố Sài Gòn và các địa bàn lân cận.

Đến những năm 1915 – 1916, khi chính thức trở thành học sinh trường Bá nghệ, Tôn Đức Thắng càng khẳng định mạnh mẽ vị thế và uy tín của một thủ lĩnh đích thực. Báo Đuốc Nhà Nam (số ra ngày 25/6/1930) khi nhắc lại thời gian Tôn Đức Thắng là học sinh trường Bá nghệ Sài Gòn đã ghi nhận: “Lúc bấy giờ Thắng còn trẻ tuổi lại can đảm. Thắng tự đặt ra phép tắc để giữ gìn trật tự trong trường lớp… Nhờ phép tắc nghiêm nghị của Thắng, học sinh trường máy lúc bấy giờ rất yên ổn… Thắng rất biết bổn phận nên đã tế khốn phò nguy cho em út hoài”. Nói như Giáo sư Trần Văn Giàu, “Tôn Đức Thắng thanh niên là như vậy đó: tập hợp, đứng mũi chịu sào, được tín nhiệm lắm”2.

Tôn Đức Thắng đã ghi dấu ấn ngay từ những ngày đầu tham gia lãnh đạo đấu tranh; và chính từ thực tiễn sôi động của phong trào công nhân, phong trào yêu nước, Tôn Đức Thắng lại khắc họa dấu ấn đậm nét hơn qua việc xây dựng tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam ngay tại địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn.

Dấu ấn sáng lập Công hội bí mật và lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn

Sau vụ binh biến Hắc Hải (20/4/1919), Tôn Đức Thắng rời khỏi hải quân Pháp và trở lại Sài Gòn hoạt động. Trong hành trang của người thủ lĩnh phong trào thanh niên, phong trào công nhân ngày trước đã có thêm nhận thức và kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của các hình thức công đoàn, nghiệp đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp công nhân. Đây cũng là lúc phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn đang phát triển khá mạnh. Tháng 8/1920, cuộc bãi công kết hợp biểu tình của thủy thủ trên các con tàu đang neo tại cảng Sài Gòn – được sự ủng hộ của Hội viên chức bưu điện Sài Gòn và các tầng lớp lao động khác – diễn ra sôi nổi và giành thắng lợi. Hơn ai hết, Tôn Đức Thắng càng nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh của tổ chức, của sự phối hợp đoàn kết đấu tranh trong hàng ngũ công nhân lao động và điều đó càng thôi thúc Tôn Đức Thắng xúc tiến nhanh chóng việc hình thành một tổ chức tập hợp, hướng dẫn, bảo vệ công nhân trong cuộc sống cũng như trong tranh đấu. Việc thành lập Công hội bí mật Sài Gòn – tổ chức công hội đầu tiên của cả nước – vào năm 1920 và lãnh đạo phong trào công nhân những năm kế tiếp là dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tôn Đức Thắng, đưa tên tuổi Tôn Đức Thắng trở thành một trong những biểu tượng điển hình nhất, đặc sắc nhất trong lịch sử giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam.

Theo nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông, từ năm 1920 đến năm 1927 “gần như các hãng xưởng ở Sài Gòn hoặc được tổ chức Công hội, hoặc được truyền bá ít nhiều về chủ nghĩa cộng sản, phần đông là công nhân lao động và dân nghèo”. Các tác giả Tôn Đức Thắng – Tiểu sử cho biết thêm: “Những cơ sở đầu tiên của Công hội được thành lập ở cảng Sài Gòn, xưởng Ba Son, xưởng FACI, nhà máy đèn Sài Gòn, nhà máy đèn Chợ Quán, sau phát triển ra các cơ sở khác trong thành phố”.

Trong điều kiện hoạt động bí mật, phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn, Công hội Sài Gòn vẫn không ngừng trưởng thành, phát triển (đến năm 1925 đã có khoảng 300 hội viên), thực sự là tổ chức tương thân tương trợ của công nhân và vận động, hướng dẫn công nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình. Đặc biệt, cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8/1925 gắn với vai trò tổ chức, lãnh đạo của Công hội bí mật Sài Gòn – đứng đầu là Tôn Đức Thắng – đã trở thành cột mốc lịch sử và là dấu son rạng ngời trong truyền thống giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam: đánh dấu bước chuyển mình thực sự từ trình độ tự phát sang trình độ tự giác, từ “giai cấp tự mình” thành “giai cấp cho mình”. Ý thức đoàn kết giai cấp, tinh thần quốc tế vô sản, năng lực và trình độ tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam – thể hiện qua cuộc bãi công ở Ba Son – cho thấy phong trào công nhân đã thực sự có chuyển biến về chất. Một lần nữa, Tôn Đức Thắng lại nhận thức được yêu cầu mới: “Anh em công nhân hồi ấy mong muốn có một tổ chức đấu tranh rộng rãi, lôi kéo được đông đảo quần chúng làm cách mạng”3. Chính vì vậy, các tác giả Đinh Xuân Lâm và Phạm Xanh đã hoàn toàn xác đáng khi cho rằng “cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son đã vượt ra khỏi khuôn khổ lãnh đạo của một tổ chức công hội mà chức năng chủ yếu là đấu tranh cho quyền lợi thiết thực hàng ngày của công nhân. Qua cuộc đấu tranh này, thấy rõ công nhân đang muốn vươn tới một tổ chức cách mạng cao hơn”4.

Như vậy, vừa là người sáng lập tổ chức công hội đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Tôn Đức Thắng vừa là người góp phần hết sức quan trọng đưa giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam bước sang một chặng đường mới: kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào yêu nước để nhân lên sức mạnh của mình, hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc và giành quyền dân chủ. Bản thân Tôn Đức Thắng cũng trưởng thành vượt bậc để từ một thủ lĩnh phong trào học sinh yêu nước, một thủ lĩnh phong trào công nhân chưa vượt qua khuôn khổ “tự phát” trở thành một chiến sĩ cộng sản hàng đầu, một trong những người gây dựng tổ chức tiền thân của Đảng ở Nam Kỳ trong những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX.

Dấu ấn gây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ và Sài Gòn – Chợ Lớn

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và mở các khóa huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, tích cực chuẩn bị những tiền đề chính trị – tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Đầu năm 1927, tại Sài Gòn, Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi – hai trong số những hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dự khóa huấn luyện đầu tiên, đồng thời cũng là hai trong năm thành viên của Cộng sản đoàn được phân công về gây dựng cơ sở ở Nam Kỳ – đã gặp gỡ Tôn Đức Thắng. Như là một sự hội ngộ tất yếu giữa lòng yêu nước, chất công nhân ở Tôn Đức Thắng với chủ nghĩa Mác – Lênin, ngay sau đó Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cùng Phan Trọng Bình lựa chọn người cử đi Quảng Châu dự các lớp huấn luyện của Hội. Các tác giả Tôn Đức Thắng – Tiểu sử nhận định: “Vào thời kỳ đầu hình thành tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản tại Sài Gòn, những học trò của Nguyễn Ái Quốc đã dựa vào Công hội của Tôn Đức Thắng để gây dựng và phát triển tổ chức… Nói cách khác, Công hội Sài Gòn những năm 1926 – 1927 thực sự là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chẳng những ở Sài Gòn mà còn trên toàn xứ Nam Kỳ”5. Với vai trò đó, đến giữa năm 1927 khi Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban chấp hành Kỳ bộ, rồi đảm nhiệm  trọng trách Bí thư Thành bộ Sài Gòn (sau sáp nhập với Chợ Lớn thành Thành bộ Sài Gòn – Chợ Lớn).

Được sự hướng dẫn và tổ chức đấu tranh của Kỳ bộ Nam Kỳ và Thành bộ Sài Gòn – trong đó có đóng góp của Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam Kỳ nói chung và Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng phát triển đến đỉnh cao trong những năm 1928 – 1929, thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời của các tổ chức cộng sản trong cả nước, trực tiếp là ở Nam Kỳ. Tôn Đức Thắng đã tạo thêm một dấu ấn mới: nhờ những hoạt động tích cực của Công hội bí mật Sài Gòn và vai trò, uy tín của bản thân Tôn Đức Thắng, quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Nam Kỳ, ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. “Tôn Đức Thắng không chỉ là một chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là một trong những đảng viên lớp tiền bối của Đảng Cộng sản, có công trong cuộc vận động thành lập Đảng”6. Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Phan Trọng Bình ghi nhận: “Tuy Bác Tôn bị bắt trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhưng Bác đã có nhiều đóng góp lớn cho sự chuẩn bị thành lập Đảng”7.

Vụ án đường Barbier năm 1929 và phiên tòa đại hình ngày 25/6/1930 đã khép lại chặng đường hoạt động đầu tiên trong cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Đức Thắng trên mảnh đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhưng suốt quãng thời gian ấy, Tôn Đức Thắng đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong những trang sử đấu tranh oanh liệt của thanh niên học sinh, của công nhân lao động, của những người cộng sản và của các tầng lớp nhân dân khác, không chỉ của Sài Gòn – Chợ Lớn mà của cả nước.

Trong tập sách Tôn Đức Thắng - người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết xuất bản nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã viết về Bác Tôn với tất cả niềm kính yêu, trân trọng. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Tôi rất kính trọng Bác Tôn cũng như kính trọng Bác Hồ”8. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: “Bác Tôn đã sống trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Cống hiến vô giá của Bác là nêu lên cho thế hệ những người cách mạng của nước ta tấm gương chiến đấu hy sinh và đạo đức trong sáng của một người cộng sản vì Tổ quốc, vì nhân dân”9. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Bác Tôn là một người cộng sản mẫu mực…Bác Tôn luôn sống mãi trong tâm trí chúng ta”10. Đại tướng Mai Chí Thọ gọi Bác Tôn là “thần tượng thời niên thiếu cách mạng của tôi”11.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn, chúng ta lại càng thấm thía những điều mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về dấu ấn Tôn Đức Thắng: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng – sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người… Đó là chất cách mạng tinh khiết không gì làm phai nhạt được, từ thuở thanh niên đến cuối đời vượt qua muôn trùng thử thách, ngày càng ngời lên vẻ đẹp đẽ và cao quý”12.

5 (100%) 1 vote
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận