Nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ngay cả những thời kỳ đen tối của chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ, người phụ nữ cả một đời bị buộc ràng bởi biết bao lễ giáo và định kiến khắc nghiệt thì họ là những viên ngọc sáng lấp lánh trong con mắt dân gian.

TÌNH NHÀ NGHĨA NƯỚC

Thơ ca dân gian và cả dòng văn chương bác học cao sang vốn là sản phẩm của ý thức hệ phong kiến chẳng phải ngẫu nhiên đều khắc họa hình tượng người phụ nữ với đức tính cao cả chịu thương, chịu khó và thủy chung son sắt; không tên tuổi nhưng vĩ đại biết dường nào. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ ở thế kỷ XX, người phụ nữ đảm đương rất nhiều vai trò, là người mẹ, người vợ thương con chờ chồng, thầm lặng hy sinh tất cả cho ngày chiến thắng, là người chiến sĩ xung phong nơi mưa bom bão đạn kẻ thù, đối mặt với cái chết vẫn không nao núng tinh thần. Ở phương diện nào, người phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạc vào lịch sử dân tộc một hình tượng cao quý và ngời sáng. Người phụ nữ, ở mỗi thời đại bộc lộ những đặc điểm khác nhau do lịch sử đòi hỏi, thiết nghĩ chỉ với một đặc tính cố hữu của mình: nhân hậu, thủy chung trong vai trò người mẹ, người vợ, người chị, là chất kết dính và gìn giữ hạnh phúc gia đình – cũng đã xứng đáng được tôn vinh là những con người đẹp nhất.

Ba mươi hai tuổi xuân, trong đó mười bốn năm đấu tranh vì quyền lợi của người công nhân Việt Nam và vì người dân lao động của một nước thuộc địa bị mất nước, dường như Tôn Đức Thắng chưa bao giờ nghĩ đến hạnh phúc riêng tư cho mình. Đó là hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Nhưng cũng như nhiều người khác, tình yêu đã đến với Tôn Đức Thắng một cách rất bất ngờ và thật giản dị. Cảm kích trước tấm lòng nghĩa hiệp, cao cả mà Tôn Đức Thắng đã đứng ra tổ chức ma chay cho người con xấu số, gia đình 3 Sứ đã gả Đoàn Thị Giàu, một người con gái hiền lành, nết na, dạy học ở trường làng mà mọi người thường gọi là cô hai Oanh cho anh Tôn Đức Thắng. Đám cưới sau đó đã được tổ chức vào năm 1921 tại  ngôi nhà ông bà ngoại của cô hai Oanh ở ấp Vĩnh Hòa xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Sau đám cưới, cô hai Oanh theo chồng lên Sài Gòn mướn phố ở. Cô học thêm nghề may còn anh Tôn Đức Thắng vẫn làm việc ở nhiều xưởng tàu, vẫn tham gia đấu tranh Cách mạng. Trong tám năm hạnh phúc của đôi vợ chồng son, Bác Tôn gái đã sinh được hai người con gái là Tôn Thị Hạnh và Tôn Thị Nghiêm. Và cũng trong thời gian này, Bác Tôn đã cống hiến rất nhiều cho phong trào cách mạng Việt Nam. Từ việc tổ chức ra Công Hội bí mật, lãnh đạo công nhân Ba Son bãi công  năm 1925 đến việc bắt liên lạc với Nguyễn Ái Quốc, tham gia tổ chức Hội VNCMTN. Ngoài việc chăm lo gia đình vẹn toàn để Bác Tôn yên tâm hoạt động cách mạng, Bác Tôn gái còn tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền về quyền bình đẳng trong giới phụ nữ, dành dụm tiền  mở tiệm thuốc bắc giúp cho Kỳ bộ có nguồn kính phí để hoạt động.

Hạnh phúc ấy tưởng chừng như kéo dài mãi cho đến khi Bác gái có mang người con thứ ba. Khi Bác gái về đến Mỹ Tho để thăm gia đình cũng là lúc Bác Tôn bị Thực dân Pháp bắt tại chân cầu Kiệu vào ngày 23/7/1929. Khi hay tin chồng bị bắt, từ Vĩnh Kim – Mỹ Tho, Bác gái đã bồng người con trai vừa mới sinh lên khám lớn Sài Gòn để cha thấy mặt con. Lần cuối cùng Bác Tôn thấy mặt con trai là lúc Bác ở tòa Đại hình Sài Gòn. Là khi Thực dân Pháp kết án Bác 20 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo đó cũng là lúc gia đình riêng của Bác phải đương đầu với những thách thức.

Trong những ngày Bác Tôn bị lưu đày Côn Đảo, Bác gái ở nhà tần tảo nuôi con. Có một thời gian Bác gái cùng hai con tha phương mãi tận Nam Vang, mãi về sau này có người học trò mà Bác Tôn nuôi nấng giúp ăn học thành tài gửi tiền giúp trở về quê hương Kim Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Tuy chưa bao giờ đến Côn Đảo nhưng trong tâm trí Bác gái bao giờ cũng hiện lên hình ảnh chồng đang bị cực hình tại nơi địa ngục trần gian Côn Đảo.

Về lại quê xưa, những tưởng Bác gái có thể yên ổn nuôi con và kiên trinh chờ chồng nhưng bọn hội tề trong làng lại tới ve vãn Bác gái với âm mưu “chồng nó làm cộng sản, phải ép nó làm vợ nhỏ thì nó mang tiếng thất tiết với chồng. Đánh đòn cân não này thì mấy thằng Bôn-sê-vích tiêu hết hy vọng. Vợ mình đầu ấp tay gối còn bỏ mình thì nói gì đến đồng chí đâu đâu”. Thế nhưng, cho dù bọn hội tề có dùng lời ngon tiếng ngọt hay âm mưu có thâm độc tới đâu cũng không làm lung lay tấm lòng kiên trinh của người phụ nữ có chồng làm Cách mạng.

Ngoài Côn Đảo, Bác Tôn luôn nhớ về quê nhà, về vợ hiền, con thơ và tình hình Cách mạng trong đất liền. Có lần, nghĩ thân mình tù tội, quá thương vợ, thương con mà Bác Tôn gửi thư về khuyên Bác gái không nên chờ đợi, hãy đi lấy chồng khác. Ít lâu sau Bác Tôn nhận được thư của vợ gửi từ đất liền ra, chỉ có mấy dòng ngắn ngủi mà Bác đọc xong bùi ngùi xúc động và ép hoài lá thư đó vào ngực. Thư viết: “Anh Tôn Đức Thắng thân mến, xin báo để anh biết. Nghe theo lời anh, em đã đi lấy chồng, chồng em là Tôn Đức Thắng, quê ở Long Xuyên. Vợ chồng em ăn ở với nhau đã có ba con. Đứa con trai út không may chết sớm. Nay dù ảnh có bị lưu đày bao nhiêu năm nữa, em vẫn chờ đợi, em sẽ trọn đời sống cùng chồng em…”.

Đến 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Tôn cùng một số đồng chí tù Côn Đảo trở về đất liền. Lúc ấy Bác Tôn đã 57 tuổi, vợ chồng xa cách biền biệt 17 năm,. Khi Bác Tôn trở về, nỗi vui mừng cũng chẳng ai bằng Bác gái. Thế nhưng khi về đến Vĩnh Kim, Bác Tôn ghé nhà chỉ trong chốc lát, gặp mặt vợ con một chút rồi Bác lại ra đi. Theo lời Bác gái thì: “Việc cách mạng, ông cứ đi, cứ lo việc nước cho tròn, còn ở nhà tôi gắng làm hết bổn phận, ông cứ yên tâm”. Không một cử chỉ hờn dỗi, không một lời trách móc, không một biểu hiện gì để làm bận tâm người ra đi làm cách mạng. Tất cả thiệt thòi, cô đơn, cay đắng chỉ một mình Bác gái gánh chịu. Trong tài liệu của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có kể lại:

“Bác gái đang đi mua gà ở xóm trên, nghe tin chồng, bươn bả chạy về buông cả mấy con gà đang xách trên tay. Đến nhà, Bác gái nhìn chồng nghẹn ngào không nói được một câu chỉ đứng ôm cột nhà mà khóc! Chưa kịp nói với vợ con những lời thương nhớ, Bác đã phải lên đường qua Đồng Tháp Mười dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ. Sau cuộc chia tay này, Bác Tôn được điều động ra miền Bác. Bác gái ở lại Mỹ Tho tham gia kháng chiến tại đó…”.

Hai người con gái Bác Tôn là cô Tôn Thị Hạnh và Tôn Thị Nghiêm cũng được đoàn thể dìu dắt vào đội công tác tuyên truyền xung phong đi các tỉnh ra Bắc. Bác gái ở nhà một mình, tham gia công tác phụ nữ cứu quốc ở Mỹ Tho, sau rồi cũng được đoàn thể đưa lên căn cứ địa (Đồng Tháp Mười) làm công tác nuôi trẻ cho đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc.

Đến năm 1954, gia đình Bác Tôn mới thật sự trùng phùng trên đất Bắc, nếu không kể lần gặp lại trong thoáng chốc ở Vĩnh Kim thì hạnh phúc riêng của Bác Tôn đã chịu chia cắt suốt 25 năm dài! Cả một thời thanh xuân của yêu thương đã đi qua… Ngày gặp mặt tại biển Sầm Sơn, bè bạn anh em muốn hỏi Bác gái về cảm tưởng của bác khi sắp gặp được Bác trai. Bác gái chỉ mỉm cười thản nhiên đáp :“Ôi, ổng cứ đi miết, việc cách mạng thì ổng cứ đi, biết làm sao!”. Tất cả bình dị như thế, như ngày tiếp theo đêm, như sau mùa đông giá rét là mùa xuân ấm áp, nó cứ tự nhiên như trời đất, nhưng lại có cái gì sâu xa huyền bí biết bao.

Dù tuổi đã cao, Bác Tôn lòng yêu thương vợ vẫn không suy giảm. có một chuyện kể về chiếc cối xay tiêu – món quà mà Bác Tôn mua tặng Bác gái – thật cảm động. Tháng 12 năm 1955 Bác Tôn được Ủy ban Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Stalin – sau đổi là Lênin trao giải thưởng Quốc tế Stalin vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc. Buổi trao tặng Giải thưởng diễn ra tại Điện Klemli vào ngày 22/1/1956. Trong thời gian lưu lại ở Matxcơva, nước bạn có trao cho Bác 10.000 rúp để mua quà tặng người thân. Bác chẳng mua gì cả, chỉ nhờ mua một cối xay tiêu đem về tặng Bác gái, vì : “Tánh tôi ưa ăn nhất là cá kho tộ bỏ nhiều tiêu. Chiều nào vợ tôi cũng đem tiêu hột ra đâm trong chén, văng tùm lum ra ngoài. Mắt vợ tôi đã kém nên cứ mò mò lượm từng hột bỏ vô chén. Vậy anh tìm mua cho tôi một cái cối xay tiêu về tặng chắc là vợ tôi mừng lắm”.

Sau đó là những năm sum họp, cứ gọi là vinh hiển theo thường tình: lúc là bà Trưởng ban Thường trực Quốc hội, khi lại là bà Phó Chủ tịch nước, rồi đến đỉnh cao là bà Chủ tịch nước. nhưng chúng ta có mấy ai biết phu nhân của Chủ tịch nước sống như thế nào? Có lẽ ít ai ngờ phu nhân của Chủ tịch nước chưa bao giờ biết đến nhung lụa đắt tiền, cả hai bác lẫn con cháu đều rất giản dị, vẫn quần nâu áo vải. Bác Tôn ở nhà vẫn quần cọc, áo may – ô, cũng như Bác Hồ không chịu đi dép mới, vẫn bộ kaki sờn, đôi dép vẹt gót. Bác thường tay kềm, tay búa sửa xe đạp cho con, cháu vì : “Tay ba còn khỏe, để ba làm cho”. Bác gái vẫn ngồi vá áo gối, tâm hồn 2 bác rộng lớn biết nhường nào. Ở đây, gần như có sự hài hòa tuyệt diệu, Bác Tôn suốt đời vì dân vì nước, cuộc sống rất đơn sơ giản dị. Có thể khẳng định rằng không một chút mảy may bụi bặm của thế quyền có thể bám vào tấm lòng như ngọc, sáng như gương của Bác.

Là một người con gái của Mỹ Tho, bà Đoàn Thị Giàu (Bác Tôn gái) lúc nào cũng thể hiện lòng trung thành với Đảng và Tổ quốc, sự chân tình đến chuẩn mực đối với sự nghiệp mà chồng bà đeo đuổi cả cuộc đời: sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chính vì vậy bà đã được các bạn của mình và bạn hữu của chồng hết sức kính nể.

Ngày 25/5/1974, Bác Tôn gái đã ra đi vào cõi vĩnh hằng vào lúc 4h sáng với căn bệnh xuất huyết não. Khi hay tin, Bác Tôn lặng đi rồi bảo đồng chí lái xe chở đến quân y viện 108. Nhìn người bạn đời, Bác Tôn lẳng lặng quì xuống hôn vợ, vuốt mắt và má vợ. Trong lễ đưa tang Bác gái về nơi an nghỉ cuối cùng, khi hạ huyệt, Bác Tôn đã quì xuống lạy người vợ hiền và lặng đi trong giây phút vĩnh biệt. Sự ra đi của Bác Tôn gái là nỗi buồn rất lớn trong lòng Bác Tôn.

Như đã thành thói quen, hàng tháng, cứ đến ngày 25 Bác Tôn lại đi viếng mộ vợ. Mỗi lần viếng, Bác đều thắp hương và cúi đầu mặc niệm. Đến 6 năm sau, năm 1980, Bác Tôn mất. Chắc rằng trong cõi vĩnh hằng, hai bác đã gặp nhau và lúc này thì không có gì có thể chia cắt hai bác được. Và sẽ không quá đáng khi nói rằng hai bác đã để lại trên cõi đời này “thiên tình sử thủy chung bất diệt”.

Tài liệu tham khảo “Bác Tôn (1888 – 1980) cuộc đời và sự nghiệp”

Nhà xuất bản Sự Thật

Đánh giá bài viết!
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận