Bác Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, quê ở làng Mỹ Hòa Hưng (cù lao Ông Hổ) thuộc tỉnh An Giang và mất ngày 30/3/1980, thọ 92 tuổi. Ngày 19/8/1958, trong lời chào mừng Bác Tôn 70 tuổi, được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Bác Hồ đã nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng, 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà….

BÁC TÔN ĐỨC THẮNG MỞ ĐẦU TRANG SỬ HIỆN ĐẠI CỦA VIỆT NAM

Là chiến sĩ cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia bảo vệ Cách mạng tháng Mười vĩ đại…. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”1.

Ba mươi năm sau, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Tôn, đồng chí Phạm Văn Đồng đã phân tích thêm: “Điều quý nhất trong con người là cái chất của con người. Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh túy của chất người ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí, niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn gian khổ, tinh thần một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn giản dị hồn nhiên trong sáng. Đó là chất cách mạng tinh khiết không gì làm phai nhạt được, từ thuở thanh niên đến cuối đời, vượt qua muôn trùng thử thách, ngày càng ngời lên đẹp đẽ và cao quý”1.

Ý kiến nhận xét đánh giá mang tính khái quát cao của Bác Hồ và đồng chí Phạm Văn Đồng như nêu trên là rất đúng, rất sâu sắc. Tuy nhiên, nếu đi vào tìm hiểu cụ thể về sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, đặc biệt là trước lúc Đảng ra đời, chúng ta còn có thể phát hiện ra nhiều điều mới có ý nghĩa lịch sử.

Bác Tôn ở tuổi 18 đã sớm được thầy giáo Nguyễn Phan Lãng (là người đang tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục) giác ngộ về lòng yêu nước, thương dân. Khác với những thanh niên cùng thời muốn học lên cao là để làm quan, anh Hai Thắng vào học trường Kỹ nghệ Viễn Đông từ năm 1906 đến năm 1909 để trở thành một người thợ máy rồi vào làm việc trong nhà máy Ba Son của hải quân Pháp ở Sài Gòn.

Năm 1912, lúc 24 tuổi, người thợ máy này đã lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và cuộc bãi khóa ở trường Bách nghệ Sài Gòn chống bọn thực dân bóc lột, áp bức bất công. Đây là lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta hình thức bãi công và bãi khóa và cũng là lần đầu tiên đấu tranh vì lợi ích giai cấp đã kết hợp với đấu tranh chống áp bức dân tộc.

Để tránh bị bắt, cuối năm 1912 anh Hai Thắng phải cải trang khai tên đổi họ, trốn tránh trên một chiếc tàu thủy của một công ty tàu buôn chạy trên Đại Tây Dương lúc bấy giờ để qua Pháp. Đến nước Pháp anh vào làm thợ máy ở xưởng Arsenal de Toulon sống và làm việc cùng những người công nhân Pháp, tham gia tổ chức công đoàn và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Đây là người công nhân đầu tiên tham gia hoạt động quốc tế.

Năm 1916, bị động viên vào làm thợ máy ở chiến hạm France, anh Hai Thắng là người Việt Nam duy nhất trên chiến hạm đó. Ở đây vào 8 giờ sáng ngày 20/4/1919, anh đã cùng các thủy thủ Pháp phản chiến khi biết ý đồ của chính phủ Pháp đưa chiến hạm này tiến vào biển Đen (Mer Noire) để chống lại nước Nga Xô viết vừa mới ra đời sau cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917. Anh được giao nhiệm vụ kéo cờ đỏ trên chiến hạm. Đây là lần đầu tiên có người Việt Nam trực tiếp tham gia bảo vệ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Năm 1957, kể lại sự kiện này, trên báo “Người thủy thủ Xô viết” số 24, đồng chí Tôn Đức Thắng đã viết: “Tôi mơ ước cùng với lá cờ đỏ này, tuần dương hạm sẽ cập bến Nga, tôi sẽ lên bờ và được dịp tham gia cuộc cách mạng và học tập các bạn Nga để trở về Tổ quốc giúp đỡ dân tộc tôi vứt bỏ ách nô lệ”.

Bị trục xuất khỏi nước Pháp vào năm 1920, trở lại Sài Gòn, anh Hai Thắng vào làm công nhân cho hãng Cơ-rốp-phơ (KROFF), chủ hãng là người Đức. ở đây, anh đã tham gia vận động công nhân đấu tranh và thành lập tổ chức Công hội bí mật. So với tổ chức Công hội đỏ do Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp lãnh đạo ra đời ngày 28/7/1929 thì tổ chức Công hội do Tôn Đức Thắng tổ chức đã ra đời trước đó 9 năm và đây là tổ chức Công hội đầu tiên của công nhân nước ta. Tổ chức Công hội này không mang tính chất là bộ tham mưu chính trị, là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản ra đời.

Đến năm 1925, tổ chức Công hội bí mật đã có ngót 600 hội viên, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân giành được nhiều thắng lợi, nổi bật nhất là thắng lợi qua cuộc bãi công của hơn 1000 công nhân ở Ba Son. Mục đích của cuộc bãi công ở Ba Son là nhằm giữ lại chiếc tàu Mi-sơ-lê (Michelet), không cho thực dân Pháp chở binh lính sang đàn áp cuộc cách mạng đang sôi sục ở Quảng Châu (Trung Quốc)….

Cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1925 đã cắm một cột mốc rất quan trọng trong phong trào công nhân, mở ra giai đoạn công nhân Việt Nam đấu tranh có tổ chức, có mục đích chính trị rõ ràng, thể hiện tình đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế của công nhân Việt Nam với những người anh em Trung Quốc. Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VI năm 1928 đã đánh giá cao cuộc bãi công này.

Vào thuở ban đầu gây dựng ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp công lớn với những việc như:

Một là, đã chuyển các hội viên Công hội của mình qua tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội của Nguyễn Ái Quốc, sau đó đã trở thành những đảng viên cộng sản trung kiên.

Hai là, đã tổ chức ra chi bộ đặc biệt đầu tiên của Đảng trong nhà tù Côn Đảo.

Ba là, đã tổ chức lần đầu tiên đường dây liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp qua các thủy thủ, để tiếp nhận sách báo mác xít gửi về đất liền và đưa vào nhà tù cho anh em nghiên cứu học tập, biến nhà tù Côn Đảo thành trường đào tạo cán bộ cách mạng.

Tôn Đức Thắng là người tù chính trị cộng sản đầu tiên bị thực dân Pháp bắt và có thời gian ở tù lâu nhất. Những việc Bác Tôn làm từ năm 1912 đến năm 1925 và lúc ở nhà tù Côn Đảo đã góp phần đầu tiên rất quan trọng cho quá trình chuẩn bị nhiều năm để giành được chính quyền về tay nhân dân trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, có quan hệ đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, mở ra thời kỳ lịch sử hiện đại của nước ta, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Với thực tế lịch sử được xác nhận như vậy thì Tôn Đức Thắng phải được coi là nhân vật mở đầu trang sử hiện đại đó.

Đánh giá bài viết!