Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ở cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, An Giang vào ngày 20/8/1888. Lớn lên ông học trường Kỹ nghệ Viễn Đông (1906 – 1909), làm công nhân ở nhà máy Ba Son của hải quân Pháp ở Sài Gòn. Từ đấy trở đi, ông tham gia cách mạng trong những giai đoạn lịch sử sôi động nhất rồi trở thành Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ 12/1976 – 1981).

CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG VĨ ĐẠI TÔN ĐỨC THẮNG

Trong 92 năm tuổi đời với gần 70 năm hoạt động cách mạng và 17 năm tù đày, Tôn Đức Thắng đã để lại cho chúng ta một cuộc đời đầy biến động, một tính cách khiêm tốn giản dị, một con người bình thường nhưng giàu tính nhân văn cao cả, như nhiều người thường nói, bình thường mà vĩ đại.

Có thể nói cuộc đời Tôn Đức Thắng như một tấm gương của một con người kiên trung đi suốt cuộc cách mạng của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cho đến ngày toàn thắng (1945 – 1975). Trải qua những gian lao, đau khổ người công nhân Ba Son ấy, người Chủ tịch nước ấy luôn luôn toát lên một tinh thần yêu nước đến cùng, một tinh thần đoàn kết ái hữu giai cấp, quốc tế cộng sản, một tính nhân văn tự nhiên, sâu sắc hiếm có.

Ông có một thời thanh niên nhiệt tình sôi nổi. Năm 1909, tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Viễn Đông, ông làm công nhân nhà máy Ba Son ở Sài Gòn; tổ chức bãi công (1912). Năm 1914, ông bị bắt lính sang Pháp, làm thợ máy cho một đơn vị hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của thực dân Pháp vào nước Nga Xô viết tại Hắc Hải năm 1919. Năm 1920, ông về nước xây dựng cơ sở Công hội đỏ, và vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925). Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ủy viên Ban chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ; bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn 1928, bị kết án 20 năm tù sai và đày ra Côn Đảo (1930 – 1945).

Cuối năm 1929, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì Tôn Đức Thắng bị mật thám bắt, đưa về khám lớn Sài Gòn và dùng mọi cực hình tàn bạo hòng khai thác những tin tức. Nhưng chúng đã thất bại trước khí phách kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Chúng kết án Tôn Đức Thắng 20 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Ở nơi “địa ngục trần gian”, Tôn Đức Thắng vẫn vững lòng tin vào thắng lợi cách mạng Việt Nam, cùng các đồng chí ở Banh I thành lập Chi bộ đặc biệt và trở thành một trong những người lãnh đạo của chi bộ cùng anh em trong tù tiếp tục đấu tranh. Đúng như người ta thường nói, “Nhà tù là trường học của đấu tranh”, nơi đó người chiến sĩ cộng sản chỉ vì gang thép mới chống lại với xiềng xích, với đòn thù, với súng ống… Và ở nơi “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, người chiến sĩ Tôn Đức Thắng đã gần 17 năm sống trong ngục tù của đế quốc thực dân. Chỉ có lòng yêu nước sắt son, chỉ có niềm tin sắt đá mới chịu nổi 17 năm, một quãng đời dài đằng đẵng trong tù như của Tôn Đức Thắng.

Ta biết là trong thời gian này Đảng mới thành lập, cách mạng còn ở bước ban đầu, phải có lòng tin như thế nào Tôn Đức Thắng mới giữ được khí tiết của mình. Tôi nghĩ là cũng giống như các chiến sĩ cách mạng khác thời gian ở tù là thời gian “rèn tâm trí”, nhưng thời gian ở tù của Tôn Đức Thắng còn nhiều điều phải khai thác thêm. Đất nước lớn đẻ ra những người con lớn, và 17 năm trong tù đã làm Tôn Đức Thắng lớn lên cùng lịch sử, lớn lên bằng nhân cách, lớn lên cùng với cách mạng Việt Nam. Như lời của Bác Tôn khi là người đầu tiên nhận huân chương cao quý nhất của nhà nước ta – Huân chương Sao vàng, trong lời phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch xúc động nói: “Trong buổi lễ vinh quang này, tôi đã nghĩ đến thời kỳ tôi còn ấu trĩ, nghĩ đến những lúc khó khăn hiểm nghèo, Đảng đã dìu dắt, giáo dục tôi, nhân dân đã rèn luyện và giúp đỡ tôi có ngày hôm nay”.

Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến, giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945). Ông là Phó Ban Thường trực Quốc hội (1946 – 1955) rồi Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (1955 – 1960). Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I – VI.

Về mặt chính quyền, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 5/1947 – 11/1947), Thanh tra đặc biệt toàn quốc (tháng 8/1947), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960 – 1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1969 – 1980). Là người bạn thân thiết của Bác Hồ. Về mặt Đảng, ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1947 và từ khoá II – IV. Là người lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, trải qua thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ ác liệt, người con của đất An Giang này đã được trui rèn trong tù ngục vẫn giữ vững nhiệt tình vào lòng hăng hái cách mạng cho tới khi đất nước ta hoàn toàn độc lập tự do và hoà bình. Ta thấy ở Bác Tôn tấm lòng hy sinh cao cả, tất cả vì đại nghĩa thắng quân thù, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ngay cả cao nhất là Chủ tịch nước, ông vẫn sống giản dị, khiêm tốn; là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người cộng sản mẫu mực, chiến sĩ có uy tín lớn, biểu tượng của sức mạnh thời đại đoàn kết dân tộc.

Cách mạng tháng Tám thành công, vừa được đón về đất liền, chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng đã hăng hái cùng dân quân miền Nam chiến đấu chống thực dân Pháp; sau đó được điều ra Bắc, lần lượt đảm nhiệm các trọng trách: Phó Hội trưởng Hội Liên Việt; Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng Ban thường trực Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng nêu cao phẩm chất trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với dân tộc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Có thể nói khiêm tốn và giản dị, tình nghĩa và trong sáng là những đức tính của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng rất khiêm nhường. Hình ảnh một người dân thuộc địa tham gia binh biến ở Hắc Hải năm 1919 để bảo vệ nước Nga Xô viết trẻ tuổi là một sự kiện được nhân dân Liên Xô cũng như nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ thế giới khâm phục, ngợi ca. Vậy nhưng khi hồi tưởng lại sự kiện này, Chủ tịch khiêm tốn viết: “Tôi tin rằng, bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, dù là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại biển Đen, không thể nào hành động khác tôi. Bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc cũng có nghĩa là yêu Cách mạng tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng tháng Mười”.

Con người của Chủ tịch Tôn Đức Thắng toát lên tính trung thực, tạo nên sự tin cậy trong nhân dân. Vì vậy, Chủ tịch có sức hút mạnh mẽ, tượng trưng cho sự đoàn kết cao của tất cả nhân dân, đoàn kết mọi thành phần, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tầng lớp… vì một mục đích chung của cách mạng, đó là giải phóng vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Là người cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đồng thời là người góp phần tích cực vào việc thực hiện tình đoàn kết gắn bó giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước. Do những cống hiến đối với những phong trào thế giới, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được bầu là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng hoà bình thế giới và được trao tặng giải thưởng Lênin “Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc”, cùng nhiều huân chương cao quí của các nước anh em.

Khi trở thành vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch vẫn giữ nếp sống khiêm tốn, giản dị của người lao động, thích đi bộ, thích lao động chân tay và tự mình làm mọi việc cho bản thân mà không muốn làm phiền ai giúp đỡ. Chủ tịch ăn mặc rất giản dị. Có lần, các đồng chí miền Nam đến thăm thấy Chủ tịch mặc chiếc áo ấm cũ có nối thêm một đoạn cho khỏi ngắn, đã cảm động hỏi: “Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao Bác mặc áo nối thế này?”, Chủ tịch vui vẻ trả lời: “Chủ tịch mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”. Thật hồn hậu và giản dị biết bao.

Bác Tôn – một con người giản dị bình thường nhưng vĩ đại, Bác vĩ đại là do tấm lòng vĩ đại, do nhân cách vĩ đại và do việc làm suốt đời phục vụ nhân dân, lấy hạnh phúc nhân dân làm hạnh phúc của chính mình. Tư cách đạo đức của Bác Tôn sáng ngời, người con của cù lao Ông Hổ, người thợ của Ba Son, người chiến sĩ ở Hắc Hải và người Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có một đạo đức và lối sống vĩ đại.

Nhà sử học Christoph Giebel, tại Khoa Sử Đại học Washington, Hoa Kỳ, một chuyên gia nghiên cứu về Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong dịp trả lời đài BBC có nói: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người khiêm tốn giản dị, sống thật với bản chất và lý tưởng của mình, ông ấy được mô tả là một nhà cách mạng kiểu mẫu. Thật là một người bình thường vĩ đại”.

Hai mươi năm qua, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đón và phục vụ gần 1.500.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Bảo tàng Tôn Đức Thắng có một hệ thống trưng bày với 1.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: ngôi nhà thời niên thiếu tại cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hoà Hưng, An Giang), hình ảnh người thanh niên Tôn Đức Thắng năm 18 tuổi lên Sài Gòn học việc và làm thợ, chiếc rương gỗ dùng trong thời gian là học sinh trường Cơ khí Á châu, những sự kiện kéo cờ phản chiến ở biển Đen, sáng lập công hội và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn những năm 1920, hình ảnh “Hầm xay lúa” và người “cặp-rằng” Hai Thắng thể hiện khí phách và đạo đức của người cộng sản…Và các chuyên đề mở rộng có liên quan đến các hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng như: Viên Ngọc Côn Sơn, Bác Hồ và Bác Tôn, Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bác Tôn trong lòng nhân dân thế giới… Riêng công trình trưng bày tái hiện không gian làm việc và nghỉ ngơi của Bác Tôn cùng với việc trưng bày, sưu tập hiện vật gốc về “Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã khắc họa đậm nét đức tính giản dị, khiêm tốn, cuộc sống thanh đạm của một vị chủ tịch nước”.

Bảo tàng là nơi lưu giữ, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Nhà yêu nước lớn, chiến sĩ kiên cường mẫu mực, là người kế tục chức vụ chủ tịch nước Việt Nam sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời từ năm 1969 – 1980.

Hai mươi năm trưng bày và giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp Tôn Đức Thắng, Bảo tàng xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước. Nhân dân yêu quí Chủ tịch Tôn Đức Thắng bao nhiêu thì yêu quí Bảo tàng Tôn Đức Thắng bấy nhiêu. Đây là một địa chỉ văn hoá của thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá bài viết!