Những năm tháng làm lính thợ tại Pháp, qua sự kiện binh lính Pháp phản chiến ở Biển Đen mà Bác Tôn là người được vinh dự kéo là cờ đỏ đã giúp cho nhận thức của Bác về giai cấp công nhân, về Cách mạng Tháng Mười Nga được nâng cao.

KÌM CHÂN CHIẾN HẠM PHÁP BA THÁNG

Thêm vào đó là tiếng vang về các hoạt động yêu nước của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp, Người đã gởi bản Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam (hay là bản yêu sách 8 điểm) đến Hội nghị Hòa bình Versailles  vào ngày 19 tháng 6 năm 1919 đã thôi thúc Bác Tôn lên đường đi Paris để tìm gặp người thanh niên lỗi lạc, chung chí hướng ấy. Tiếc là Bác Tôn đã không gặp được Nguyễn Ái Quốc. Tháng 8 năm 1920, Bác bị trục xuất khỏi nước Pháp.

Ngay khi về Sài Gòn, Bác Tôn đã nghĩ ngay đến việc phải tập hợp anh em thợ lại thành một tổ chức. Ở Pháp công nhân được lập nghiệp đoàn. Còn ở xứ mình không cho phép lập nghiệp đoàn. Thế nên, Bác Tôn đã vận động những người có cùng chí hướng thành lập Công hội vào cuối năm 1920 chủ yếu ở những cơ sở có nhiều công nhân làm việc như Nhà đèn Chợ Quán, xưởng Ba Son, Thương cảng Sài Gòn… Công hội do Bác Tôn làm Hội trưởng hoạt động với mục đích đoàn kết giai cấp công nhân, đấu tranh bênh vực quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chống áp bức, bóc lột, chống bất công. Công hội họat động bí mật nên còn được gọi là Công hội bí mật.

Từ năm 1920 đến năm 1925, Công hội bí mật đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn – Chợ lớn và đã giành được thắng lợi cũng như tạo nên tiếng vang rộng lớn như cuộc bãi công của 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn, đặc biệt là cuộc bãi công của hơn 1.000 công nhân Ba Son vào tháng 8 năm 1925 để kìm chân chiến hạm Pháp.

Ba Son ngày nay là một xưởng sửa chữa và đóng tàu lớn ở nước ta. Đây là một di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa; là di tích của một công trường thủ công lớn, một ngành công nghiệp quan trọng ra đời sớm nhất của Sài Gòn xưa; cái nôi của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tháng 8 năm 1925, trên đường sang đàn áp cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc), đoàn tàu chiến Pháp gồm 03 chiến hạm cập bến Sài Gòn. Một trong ba tàu chiến là tàu Jules Michelet phải đưa vào Ba Son để sửa chữa gấp. Bác Tôn đã biết chiến hạm này. Nó cũng có mặt trong cuộc chiến can thiệp vào nước Nga – Xô Viết. Nó là một tàu chiến lớn như chiến hạm France mà Bác Tôn đã làm thợ máy. Nay nó có mặt ở đây để làm gì? Bất giác, Bác Tôn nhớ lại tiếng gầm của đại bác trong ngày nào đó đã trút xuống đường phố Xê-vat-xtô-pôn . Đã từng giương cao ngọn cờ đỏ phản chiến với tinh thần quốc tế vô sản, hơn ai hết, Bác Tôn biết rõ ý đồ của thực dân Pháp là dùng chiến hạm này để sang đàn áp cách mạng Trung Quốc, nơi đang giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc ở Châu Á. Ý thức được trách nhiệm nặng nề mà anh em công nhân Ba Son phải gánh vác trong sự kiện lịch sử này, Bác Tôn họp ban Chấp hành Công hội. Bác nói:

– “Đàn áp cách mạng Trung Quốc thì khác nào đàn áp công nhân Việt Nam? Thợ Ba Son không thể tiếp tay cho bọn Pháp. Nay đàn áp cách mạng Trung Quốc, mai chúng sẽ đàn áp chúng ta. Phải tìm cách chặn tay chúng lại”.

Bác Tôn dằng mạnh nắm tay trong không khí:

Hội nghị Ban Chấp hành Công hội quyết định, bằng mọi cách ngăn cản chuyến đi của tàu Jules Michelet nếu không cũng phải làm chậm bước tiến của nó càng lâu càng tốt.

Suy nghĩ mãi Bác Tôn gợi ý:

– Có lẽ ta phải đưa ra lý do kinh tế cho cuộc bãi công chính trị này. Lâu nay công nhân Ba Son lãnh lương hai kỳ. Ngày lãnh lương được nghỉ nửa giờ. Từ khi tên kỹ sư Cuốc-xi-an sang (bổ sung chức vụ của kỹ sư Pháp) ngày lãnh lương chỉ còn được nghỉ 15 phút, lương công nhân bị cắt xén. Bây giờ ta dựa cớ này, vận động anh em biểu tình chống lại rồi đình công luôn. Anh em thấy như vậy có hợp lý không?

Kế hoạch được bàn kỹ lưỡng, giao cho Tổ Công hội Ba Son tiến hành. Bác Tôn còn liên hệ với tòa báo “Chuông rè” của ông Nguyễn An Ninh để thông qua báo kêu gọi công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn – Chợ Lớn ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Ba Son.

Ngày 4 tháng 8 năm 1925, ngày lãnh lương của thợ Ba Son. Đúng ba mươi phút trước giờ  lãnh lương, toàn thể công nhân nghỉ việc. Các gian máy lặng ngắt. Cai thợ hoảng hốt chạy tìm Cuốc-xi-an. Hắn đỏ bừng mặt đấm bàn:

– Đứa nào trái lệnh tống khỏi nhà máy!

Thế là anh em ồ lên như ong vỡ tổ:

– Về thôi anh em ơi! Chúng ta đều bị tống cổ khỏi nhà máy cả!

Cuốc-xi-an từ giận dữ, chợt hiểu ra, mặt hắn từ đỏ chuyển sang tái mét.

Sáng hôm sau, hai tốp thợ trên một ngàn người kéo từ hai ngã tụ họp trên đường Et-xpa-nhơ. Họ giữ đội ngũ trật tự, im lặng. Một đại diện nêu yêu sách gồm 3 điểm:

–  Tăng lương hai mươi phần trăm.

– Cho nghỉ nửa giờ trong ngày phát lương.

– Thu lại thợ bị sa thải.

Mỗi lời nói của người đại diện được anh em công nhân reo lên hưởng ứng. Người đại diện hỏi:

– “Phải vậy không anh em”

Lập tức công nhân đáp lại.

–  “Phải, phải. Tăng lương hai mươi phần trăm”

Cuộc biểu tình náo động cả thành phố. Bọn cảnh sát được huy động tới. Súng ống, ma-trắc lăm lăm trong tay nhưng chúng chưa nổ súng… Có lẽ chưa có lệnh…

Cuộc biểu tình giải tán. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa… Liên tiếp tám ngày liền xưởng Ba Son im lìm như chết. Bọn thống trị cuống lên. Tàu Michelet có lệnh phải sửa gấp, thế mà công nhân lại đình công…

Các báo tiến bộ nhất là báo “Chuông rè” lên tiếng vừa tường thuật cuộc bãi công, vừa hùng hồn nêu lên những lý lẽ bênh vực cho anh em công nhân. Bác Tôn và Công hội tiếp tục vận động công nhân Ba Son kiên trì đấu tranh và vận động công nhân, viên chức ở các hãng xưởng, cả nông dân ngoại thành quyên góp tiền gạo để ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Ba Son.

Ngày 11 tháng 8, Thống đốc Nam kỳ và viên chỉ huy hải quân buộc phải mời 4 đại diện công nhân đến. Nhưng lại ra lệnh và tiếp tục đe dọa:

– Ngày mai phải đi làm. Nếu không sẽ đóng cửa Ba Son, đuổi hết thợ.

Các đại biểu ngang nhiên trả lời:

– Đó là việc của các ông.

Mười ngày sau, chủ xưởng buộc phải ra yết thị nhận tăng lương đồng loạt mười phần trăm và trả lương trong những ngày thợ bãi công. Thế là cuộc đấu tranh bước đầu thắng lợi. Nhưng không vội làm gì. Tổ Công hội vận động từ bãi công sang lãn công, kéo dài thời gian sửa chữa chiến hạm.

Mãi đến ngày 28 tháng 11 năm 1925, tức hơn ba tháng neo tại Ba Son tàu Jules Michelet mới rời khỏi xưởng.

Sự kiện trên được đại biểu Đông Dương nêu trong Đại hội lần  VI của Quốc tế Cộng sản họp năm 1928 rằng: “Công nhân Ba Son không chịu sửa chữa chiếc tàu Michelet mà đế quốc Pháp dùng đi tàn sát nhân dân Trung Quốc”. Cuộc bãi công của công nhân Ba Son không chỉ phản ánh trình độ giác ngộ, trình độ tổ chức, tinh thần quốc tế vô sản của công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX mà còn khẳng định uy tín của Bác Tôn và Công hội do Bác Tôn sáng lập và lãnh đạo.

Trong thời kỳ mới của cách mạng, nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước chính là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập như Đảng đã khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.

Tài liệu tham khảo “Bác Tôn (1888 – 1980) cuộc đời và sự nghiệp”

Nhà xuất bản Sự Thật

Đánh giá bài viết!