Mỗi lần có dịp về Thanh Hóa nhìn những ngọn sóng trên bãi biển Sầm Sơn lòng Bác Tôn lại dâng lên một cảm xúc mãnh liệt. Bác nhớ về những giây phút tại Biển Đen, nơi mà trên chiến hạm France Bác đã kéo lá cờ đỏ để phản đối cuộc chiến tranh vô nghĩa mà Pháp tấn công vào nước Nga – Xô Viết.

TÔN ĐỨC THẮNG TRONG HẢI QUÂN PHÁP VÀ TRONG CUỘC PHẢN CHIẾN Ở BIỂN ĐEN

Khi bị động viên sang Pháp, Bác làm việc một thời gian ngắn tại xưởng Arsenal thuộc quân cảng Toulon. Sau đó, Bác được điều động làm thợ máy trên chiến hạm France, đây là một tàu tuần dương bọc thép thuộc loại hiện đại nhất của Pháp lúc bấy giờ. Trên tàu có rất nhiều binh sĩ và thợ máy của rất nhiều dân tộc và giai cấp khác nhau. Có thể nói, về mặt xã hội trên chiến hạm France là một hình ảnh thu nhỏ của nước Pháp bấy giờ.

Sống trên chiến hạm, Bác có những người bạn mới. Trước hết là những người lính thuộc địa. Ở họ, Bác đồng cảm vì bị bọn chỉ huy phân biệt đối xử với những người lính Pháp chính quốc. Còn đối với những người lính thợ Pháp, qua họ, Bác đã biết được rất nhiều điều như: giai cấp vô sản, đoàn kết quốc tế và đặc biệt là tổ chức Công hội ở Pháp, một tổ chức đoàn kết, bênh vực quyền lợi cho công nhân, thợ thuyền lao động. Đầu năm 1918, một tin tức thời sự được bàn tán sôi nổi nhưng bí mật trên chiến hạm France, đó là Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, những người Bônsêvích đã lật đổ chế độ Nga hoàng và chính phủ tư sản Kêrenxki, thành lập nước Nga – Xô Viết do công nhân, nông dân và binh lính nắm giữ. Cuối năm 1918, binh lính trên tàu vui mừng khi nhận được tin hòa ước chấm dứt chiến tranh đã được ký kết giữa Pháp và Đức nhưng đồng thời họ lại nhận được lệnh chiến hạm France phải đến Biển Đen để can thiệp vũ trang vào nước Nga – Xô viết. Như vậy, đối với những người lính trên chiến hạm thì chiến tranh chưa kết thúc và họ phải bắt đầu bằng một cuộc chiến mới, đó là một cuộc chiến chống lại nhân dân Nga, một cuộc chiến phi nghĩa.

Đối với Bác, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã vô lý thì cuộc võ trang can thiệp này càng vô nghĩa hơn. Đánh vào nước Nga là đánh vào những người thợ như Bác và những người anh em kết nghĩa ở trường Bá Nghệ, ở Ba Son, ở Sài Gòn, ở Toulon. Đánh vào nước Nga là đánh vào những người nông dân như cha mẹ, anh em, bà con ở Mỹ Hòa Hưng, ở Long Xuyên, ở lục tỉnh Nam Kỳ…. Bác phản đối cuộc chiến tranh này và Bác đồng tình với những người bạn Pháp đang vận động phản chiến.

Trong những ngày căng thẳng đó, ngồi trong buồng máy của chiến hạm, nghe những loại pháo rung chuyển cả thân tàu, Bác Tôn bứt rứt, đứng ngồi không yên. Bọn sát nhân đang gieo rắc chết chóc lên đầu những chiến sĩ cách mạng và những người dân Nga vô tội. Bác chạy nhanh vọt lên buồng máy chỉ vào các họng súng gào thét lên:

– “Bịt các họng súng lại! Những người trên đất Nga là người ruột thịt, là bạn thợ, là những bà mẹ, những người chị và trẻ em vô tội…!”

Tinh thần xúc động mãnh liệt, Bác đến gặp Giăng– thủy thủ trên chiến hạm và là thành viên Ủy ban cách mạng trên chiến hạm –  và không còn giấu giếm nữa, Bác nói thẳng:

– Chúng tôi chờ mệnh lệnh của Ủy ban cách mạng trên tàu để nhất loạt hành động!

Giăng nắm chặt bàn tay Tôn Đức Thắng, trịnh trọng giao nhiệm vụ:

– Ngày mai, trước khi mít- tinh, anh ra kéo cờ đỏ. Kéo cờ đỏ để chiến hạm Hồng quân biết chúng ta là bạn chứ không phải là kẻ thù.

Bác Tôn nhận mệnh lệnh với lòng bồi hồi, xúc động. Bác không ngờ rằng trong giây phút quyết liệt này của cuộc chiến đấu, Bác được tin cậy, được giao nhiệm vụ, được bày tỏ lòng mình bằng một hành động thiết thực!

Ngày 20 tháng 4 năm 1919- ngày lễ phục sinh. Buổi sáng, mặt trời rực rỡ nhô lên trên mặt biển báo hiệu hôm đó là một ngày đẹp trời. 08 giờ sáng! Lễ chào cờ…Tiếng kèn tập hợp nghiêm trang nổi lên. Trong không khí thanh bình của một buổi sáng đẹp trời, một cảnh tượng diễn ra đột ngột không thể nào quên được: một lá cờ đỏ từ tay anh lính thợ Tôn Đức Thắng đã kéo lên, vút cao trên cột cờ chiến hạm, phất phới tung bay trong nắng sớm! Hầu hết những người lính tập hợp đã nghiêm trang hát Quốc tế ca. Gần đó, trên chiến hạm chỉ huy hạm đội- tàu Giăng-ba cũng một lá cờ đỏ vươn lên và giọng hát Quốc tế ca cùng hòa theo, át cả tiếng sóng biển.

Trước tình hình đó, chỉ huy hạm đội đã báo cáo về Pháp và nhận được chỉ thị cho tàu quay mũi, rút khỏi Biển Đen. Ngày 23 tháng 4 năm 1919, chiến hạm France được lệnh rời Biển Đen đến cảng Bi-dec-tơ của Tuy-ni-đi, sáu ngày sau mới có lệnh quay về Pháp. Cuộc nổi dậy ở Biển Đen của binh lính và công nhân đã giáng một đòn quyết định làm thất bại chính sách xâm lược, hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc. Kéo cờ phản chiến là hành động tượng trưng, tiêu biểu nhất trong toàn bộ cuộc nổi dậy. Hành động lịch sử ấy đã được trao vào tay một người Việt Nam, một công dân của một thuộc địa xa xôi của nước Pháp.

Và lịch sử đã chọn không nhầm đối tượng để trao nhiệm vụ lịch sử! Tôn Đức Thắng với lòng yêu nước nồng nàn, yêu tha thiết những người cùng giai cấp, căm thù đến cao độ bọn khát máu gây chiến đã có một hành động dũng cảm, táo bạo, để làm một việc có ý nghĩa  mà càng về sau này càng cảm thấy to lớn.

Sự kiện kéo cờ phản chiến ở Biển Đen đã đánh dấu bước ngoặt trong chuyển biến tư tưởng của Bác Tôn: Từ chủ nghĩa yêu nước bắt đầu chuyển sang lập trường cách mạng vô sản.

Sau này, khi đã trở thành nhà lãnh đạo của Việt Nam, Bác Tôn đã hồi tưởng lại và khẳng định “Tôi tin rằng, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào có mặt trong những giây phút lịch sử đó ở Biển Đen cũng không thể hàng động khác như tôi đã làm. Bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù bọn đế quốc – trước hết, đó là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kể chống lại nó”.

Đánh giá bài viết!
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận